Sunday, December 21, 2008

Hạnh Phúc Có Thể....Lây Nhiễm

TTCT - Một nghiên cứu mới đây cho hay hạnh phúc không chỉ là chuyện riêng của mỗi cá nhân, mà chúng ta có thể “bắt được” hạnh phúc từ bạn bè và các thành viên trong gia đình như một loại virus tình cảm vậy.

Chỉ cần một người trong nhóm cảm thấy vui sướng, các nhà nghiên cứu có thể đo được một sức lan tỏa lũy thừa ba từ niềm vui của người ấy. Nói cách khác, tâm trạng của chúng ta có thể sáng sủa hơn nhờ vào ai đó chúng ta thậm chí chưa từng gặp.

Nhà khoa học về chính trị James Fowler thuộc Trường đại học California, San Diego và là đồng tác giả nghiên cứu với nhà xã hội học Nicholas Christakis đến từ Đại học Harvard nhận xét: “Những gì chúng ta làm và những gì chúng ta cảm thấy sẽ có tác động lan tỏa khắp mạng lưới những mối quan hệ trong xã hội”.

Tính trung bình cứ mỗi cá nhân hạnh phúc trong mạng xã hội của bạn sẽ làm tăng khả năng vui vẻ của bạn lên 9%, và những ảnh hưởng từ việc “bắt được” hạnh phúc của người khác có thể kéo dài đến một năm. Nghiên cứu này đã khảo sát gần 5.000 người trong hơn 20 năm, và vừa được đăng trên trang mạng của Tập san Y Khoa Anh Quốc (British Medical Journal) ngày 4-12-2008.

Những người tham gia nghiên cứu đã liệt kê một danh sách thông tin những bạn bè thân thiết nhất của họ, các thành viên trong gia đình và láng giềng mà tất cả tạo nên mạng lưới 50.000 mối quan hệ xã hội. Fowler và Christakis đã dùng chỉ số phiền muộn của Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ (Center for Epidemiological Studies Depression Index) - một bộ các câu hỏi chuẩn mà những nhà tâm lý học vẫn thường dùng đo lường mức độ hạnh phúc - để phân tích niềm vui của những người tham gia nghiên cứu.

Họ nhận thấy khi một ai đó cảm thấy hạnh phúc, người bạn của cá nhân ấy tăng 25% cơ hội cũng sẽ hạnh phúc. Người bạn của người bạn đó thì tăng gần 10% cơ hội và đến lượt một người bạn của người bạn nói trên tăng 5,6% cơ hội. Điều này có nghĩa một tâm trạng tốt của một người lạ có thể nâng đỡ tinh thần của bạn nhiều hơn một chi phiếu gây quỹ trị giá 5.000 USD, thường chỉ làm tăng niềm vui lên có 2% - Fowler và Christakis cho biết.

“Hạnh phúc là một cảm xúc mang tính xã hội mà chúng ta nhận được từ các sự kiện trong xã hội. Có một điều rất đặc trưng là nó trở thành chất kết dính quan trọng cho các mối liên kết xã hội chúng ta có với những người khác - Jack Dovidio, nhà tâm lý học xã hội đến từ Đại học Yale, nói - Hạnh phúc không phải là thuộc sở hữu của mỗi mình bạn”.

Còn gì nữa, tất cả những người hạnh phúc đều có thể giúp những người khác sống khỏe mạnh. Rất nhiều nghiên cứu y gần đây đã gắn hạnh phúc với sức khỏe, kể cả một báo cáo nghiên cứu năm 2006 của Đại học Carnegie Mellon đã cho biết những mẫu người sôi nổi, vui vẻ sẽ ít bị cảm cúm hơn những ai u buồn. Trước đó một nghiên cứu năm 2001 của Đại học Kentucky ở Lexington đã dùng bản viết tay của 180 nữ tu sĩ Công giáo để tìm hiểu tác động của niềm hạnh phúc lên tuổi thọ và có được kết quả: những nữ tu nào dùng nhiều từ mang tính tích cực để mô tả về cuộc sống của họ thì sống lâu hơn khoảng 10 năm so với những người dùng nhiều từ kém vui.

Song dường như bạn không thể “bắt được” hạnh phúc qua điện thoại. Fowler và Christakis nhận thấy hạnh phúc chỉ tác động lên những bạn bè sống cùng trong khoảng 1 dặm. “Với những cảm xúc tình cảm, có vẻ như khoảng cách có vai trò thật sự quan yếu - Fowler nói - Những người bạn ở gần có được, trong khi những người ở xa thì không. Bạn càng ít quan hệ với một ai đó thì càng ít khả năng bắt được niềm hạnh phúc của họ”.

Khám phá về giới hạn địa lý ấy nghe có vẻ khác lạ giữa những người bạn thân nhưng sống xa nhau. Nhưng Fowler cho biết chìa khóa dường như nằm ở chỗ tần suất gặp gỡ, khi những người ở gần với nhau gặp nhau thường xuyên hơn.

Một điều đáng nói hơn nữa là ở khía cạnh ngược lại nếu bạn buồn phiền, chỉ mình bạn gặm nhấm mà thôi. Nỗi buồn không lây lan rõ rệt và đáng tin cậy như hạnh phúc, các nhà nghiên cứu để ý thấy. Nếu trong một nhóm bạn, nỗi buồn có một tác động đáng kể lên các thành viên của nhóm, nhưng với những người khác thì tác động ấy là rất nhỏ.

“Khi buồn chán, bạn thường có khuynh hướng đẩy mọi người ra xa dù biết rằng sự hỗ trợ của cộng đồng là rất tốt” - nhà tâm lý học của Đại học Emory Nadine Kaslow nói. Và chính điều đó ngăn cản sự lan truyền. Tuy vậy, Dovidio cho rằng sự tức giận lại có thể mang tính lây lan trong một nhóm như những gì hạnh phúc làm được.

“Khi chúng ta gần gũi với một ai đó, trên thực tế chúng ta sẽ có khuynh hướng hòa hình ảnh của chúng ta vào cùng” - Dovidio nói. Và sức lan tỏa của niềm vui sẽ giúp gắn kết các mối quan hệ trong một nhóm bạn, ông nói thêm, vì nó tái khẳng định mức độ thân thiết của quan hệ ấy đang nằm ở đâu.

Tóm lại, như Fowler kết luận: “Những niềm vui nho nhỏ mà bạn nghĩ rằng làm cho chính mình hóa ra là cho hàng trăm người khác”.

HOÀI CHI (Theo MSNBC)

Sunday, December 14, 2008

Mùa Đông Mới


Mùa đông mới
Sáng tác: Ý Vũ - Thể hiện: Tóc Tiên

Saturday, December 13, 2008

ÔNG GIÀ NOEL LÀ AI?

Được biết nhân vật lịch sử lâu đời này có thật. Người Pháp gọi là: Le Père Noel (ông Cha, linh mục Noel), người Anh gọi trực tiếp là SANTA CLAUS (Thánh Nicôla) Thánh giám mục, mừng lễ ngày 6 tháng 12 mỗi năm, trước lễ Giáng Sinh gần hai chục ngày.

Người Pháp thân mật gọi Ngài là “Le Père Noel” (ông cha Noel) vì ngài liên hệ nhiều đến lễ Noel, nhất là với trẻ em, đến nỗi sau khi Ngài qua đời đã lâu rồi, mà hình ảnh Ngài còn được lưu truyền cho hậu thế, đầu tiên là ở Châu Âu, rồi tới toàn thế giới qua bóng dáng một cụ già đẹp lão, râu tóc bạc phơ, mặc áo choàng đỏ, đội mũ chóp đỏ, lưng vác một giỏ lớn đây đồ chơi, bánh kẹo.

Người ta còn bày đặt để thi vị hóa, để mua vui cho trẻ em, bằng cách “bắt ông cha Noel đêm 24-12 phải chui qua lò sưởi vào phòng ngủ của các em, bỏ đồ chơi, bánh kẹo vào những chiếc giày các em để bên lò sưởi, hay bỏ vào những chiếc vớ (bít tất) mà các em treo ở chân giường”. Đúng ra là cha mẹ các em bỏ vào đó để khuyên dụ các em phải ngoan thì “Cha Noel” mới cho quà! Một kiểu giáo dục!

Song tới Việt Nam, bà con không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình cụ già râu tóc bạc phơ, gọi là Ông già cho tiện.

Sau đây xin sơ lược vài nét chính về cuộc đời “Cha Noel”.

Cậu Nicolas, con trai duy nhất một gia đình qúy tộc giàu có ở Bắc Âu, từ nhỏ đã sống rất nhân hậu, đạo đức, quyết định đi tu, nhưng gia đình neo đơn, cậu phải ở lại nhà để phụng dưỡng cha mẹ già.

Một hôm đi ngang qua một gia đình lối xóm, Nicolas nghe thấy tiếng đàn bà con gái khóc. Cậu ngạc nhiên vì không hề nghe nói có ai đau ốm trong gia đình này? Tới gần, Nicolas nghe thấy cô con gái lớn, gia đình chỉ có hai con gái, vừa khóc vừa than thở rằng: vị hôn phu của cô không chịu làm đám cưới vì gia đình cô nghèo không có của hồi môn (số tiền cô dâu mang theo về nhà chồng). Nicolas lẳng lặng về nhà lấy một túi tiền vàng (thời xưa chưa có tiền giấy) đem sang. Cậu ném “choang” một tiếng vào cánh cửa đóng, rồi nấp sau bụi cây chờ xem kết quả.

Người cha gia đình ra mở cửa:

- Ai gọi cửa đó? Không có ai sao? Ồ túi tiền vàng của ai liệng vào đây? Lạy Chúa, ai liệng tiền vào nhà tôi thế này? Của ai đây?......

Không có ai lên tiếng. Ông đem túi tiền vào nhà mừng rỡ nói:

- Thôi đừng khóc nữa, Chúa ban cho rồi đây!

Thế rồi một tuần lễ sau, đám cưới cô chị được cử hành vui vẻ. Một thời gian sau, Nicolas cũng kín đáo giúp tiền gia đình này để đám cưới cô em được tốt đẹp. Nicolas còn giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khó gặp hoạn nạn hay bệnh tật quanh vùng.

Sau khi cha mẹ đã qua đời, Nicolas vào chủng viện, rồi được thụ phong linh mục. Tài sản cha mẹ để lại, cha Nicolas dùng để cứu giúp những gia đình nghèo khó, bệnh tật, gặp hoạn nạn. Cha cũng đặc biệt lưu tâm tới những trẻ em nghèo. Nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh, suốt trong thánag 12 mỗi năm, cha có thói quen đem bánh qùa, đồ chơi, tự tay phân phát cho trẻ em nghèo quanh vùng, cũng là để nhắc nhở mọi người là mùa Giáng Sinh đã tới. Từ đó, người ta gọi là Le Père Noel “ông Cha Noel”.

Sau này được tấn phong lên hàng Giám mục, và dù đã lớn tuổi, Ngài vẫn giữ thói quen thương yêu, giúp đỡ các trẻ em nghèo, hoặc gặp tai nạn.

Có một buổi sáng trời giá lạnh, Đức cha Nicolas bước vào một quán ăn nhỏ bên đường cách đô thị chừng 15km. Chủ quán nhận ra Đức giám mục liền chào Ngài. Đức cha hỏi: “Quán có gì ăn không?” Chủ quán thưa: “Dạ, có thịt, trứng và bánh mì, nhưng hết mất rượu vang. Xin Đức cha vui lòng ngồi nghỉ chờ con ít phút, con vào trong làng mua rượu”.

Chủ quán đi rồi, Đức cha Nicolas xuống bếp, mở nắp khạp thịt, vỗ vào hông khạp và gọi:

- Dậy đi, các con!

Thế là có ba bé trai lùng nhùng từ đống thịt tươi mới ướp muối, liền lại, sống lại và bước ra. Ngài chỉ chỗ cho ba đứa trẻ lấy quần áo mặc vào, rồi lên nhà trên ngồi vào bàn ăn chờ. Thì ra đó là ba bé trai nhà nghèo, chiều hôm trước đi mót lúa ngoài cánh đồng, bị đói lạnh, đã vào quán xin ăn, bị chủ quán giết chết, chặt ra bỏ vào khạp ướp muối để sẽ nấu món ăn bán cho khách. Thánh nhân biết được nên đã tới cứu các cháu.

Lát sau chủ quán về tới, giật mình trông thấy ba đứa bé anh đã giết chết, ngồi cạnh Đức giám mục. Anh sợ hãi qùy xuống trước mặt Ngài thú tội:

- Con nghèo quá nên đã làm bậy, xin Đức Cha tha tội cho con!

Ngài giải tội cho anh, lại còn cho anh một túi tiền để làm vốn và khuyên anh từ nay không được làm điều ác. Sau đó Ngài bảo anh dọn bánh mì, chiên trứng, bốn cha con ăn xong, Ngài dẫn ba đứa bé đi theo về trả lại cho gia đình và cấp dưỡng cho chúng được ăn học.

Những truyện về vị thánh giám mục này còn nhiều, nhưng điều chủ yếu muốn nói đến là Ngài rất gần gũi với lễ Giáng sinh, hay giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt là bạn của các thiếu nhi. Dù khi còn ở gia đình, khi đã đi tu, khi làm linh mục hay khi đã thành giám mục, khi còn trẻ hay khi đã râu dài tóc bạc, mỗi mùa Giáng Sinh về Ngài Nicolas lại mang trên lưng một bao lớn bánh mì đầy ắp, đem tới từng nhà chia cho trẻ em nghèo để chúng mừng lễ Giáng sinh. Trẻ em Pháp reo lên: Le Père Noel est là!” (Cha Noel kia rồi!).

Pháp có bài ca “Petit Papa Noel”, còn Anh và Hoa Kỳ thì “Santa Claus is Coming to Town” (Thánh Nicolas đang tới đô thị) và “Mama Sita, I am looking for Santa Claus, It’s Christmas Day” (Má Sita ơi, con đang chờ Bố Nicolas, Lễ Giáng Sinh tới rồi).

Sunday, December 7, 2008

Đôi Bàn Tay Cầu Nguyện

Vào thế kỷ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg (Đức) có một gia đình rất đông con: 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố - một người thợ kim hoàn – đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ bất kỳ công việc gì trong làng thuê ông.
Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn vì người cha sẽ chẳng bao giờ có thể kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg. Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau bốn năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.

Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gửi cho anh khoản tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một bữa tiệc lớn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật. "Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh – Albrecht trìu mến nói – đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em".

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng Albert ngồi đó, nước mắt giàn giụa trên gương mặt gày gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: "Không… không… không…".

Cuối cùng, Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói:

- Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…

Lịch sử đã lui vào quá khứ hơn 450 năm. Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của ông chỉ một tác phẩm duy nhất.

Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là "Hands", nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà của tình yêu ấy là The praying hands (Đôi bàn tay cầu nguyện). Nếu có dịp bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người họa sĩ.

Saturday, December 6, 2008

Thiên Thần Tuyết



Đôi khi tình yêu chỉ thể hiện trong khỏanh khắc
song sức mạnh của khỏanh khắc ấy
sẽ mãi trường tồn, vượt qua mọi rào cản
ranh giới của cuộc sống
Từ khi còn rất bé, tôi đã thích mùa đông. Tôi yêu tuyết, và thích được chơi đùa trong không gian trắng xóa như vô tận ấy. Tôi yêu cả hương vị thơm tho ấm nóng của tách sô-cô-la tuyệt vời mà bà hay pha cho tôi mỗi lần tôi bị lạnh cóng và run lên vì rét sau khi đi trượt tuyết về.

Nhưng mùa đông chẳng bao giờ chịu đổ tuyết đúng vào ngày sinh nhật của tôi, dù tôi được sinh ra vào ngày đầu mùa đông. Sinh nhật lần nào cũng thế, tôi thức dậy thật sớm, chạy ngay đến cửa sổ, mong nhìn thấy dù chỉ thóang chút những bông tuyết bé xíu. Nhưng tuyết chỉ bắt đầu rơi sau sinh nhật tôi và vội vã tan nhanh trứơc những tia nắng ấm áp của mùa xuân. Ngày ấy, tôi thường giận dỗi hỏi bà tại sao tuyết không chịu xuất hiện đúng sinh nhật tôi. Bà không trả lời chỉ mỉm cười bảo tôi đa cảm.

Một ngày kia, bà bảo tôi rằng bà vẫn có cách làm cho sinh nhật của tôi có tuyết, để tôi sẻ có một sinh nhật trọn vẹn nhất, hạnh phúc nhất. Tôi mừng rỡ, cảm ơn bà rối rít.

Thế nhưng, năm đó, trứơc khi kịp mừng sinh nhật tôi, bà đã qua đời. Trong khi tôi không chỉ có nỗi đau mất mát, mà còn đan xen chút dỗi hờn về lời hứa chưa tròn.

Rồi sinh nhật tôi cũng đến. Tôi không còn nghĩ đến những bông tuyết trong ngày hôm ấy như những năm trứơc nữa. Tôi nghĩ đến bà, đến lần sinh nhật đầu tiên không có bà. Tôi buâng khuâng nhìn ra cửa sổ. Bỗng nhiên tôi trông thấy những bông tuyết trắng muốt bé li ti đang từ từ rơi xuống ngòai sân - những bông tuyết đầu mùa tinh khiết ! Tôi sung sướng chạy vòng quanh, giơ tay hứng từng bông tuyết trắng muốt, giống như đứa trẻ lần đầu được thấy tuyết rơi.

Ông tôi bước ra sân, bảo có một món quà dành cho tôi. Tôi ngạc nhiên vì trứơc đó ông đã tặng quà cho tôi rồi. Ông đưa tôi một chiếc hộp nhỏ, được gói trong lớp giấy có hình những bông tuyết. Chiếc hộp trong củ kỹ, màu giấy trắng ngà. Tôi hồi hộp mở quà. Giữa những lớp đệm trắng là một bông hoa tuyết bằng pha lê lấp lánh, đẹp đẽ đến xao lòng, cùng với một tấm thiệp nhỏ với dòng chữ " Chúc mừng sinh nhật cháu ".

Ông cho biết đó là món quà sau cùng mà bà đã chuẩn bị cho sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi. Bà muốn biến ước mơ được nhìn thấy tuyết trong ngày sinh nhật của tôi thành hiện thực. Tôi ôm chầm lấy ông, bật khóc và khẽ thầm thì lời cảm ơn, lời cầu nguyện dành cho bà. Bà mãi là thiên thần, thiên thần tuyết của tôi.
Như Quỳnh-
Theo Viva Consulting
"Hãy biết quý trọng những gì mình đang có, đừng để khi mất đi mới thấy hối tiếc. Bởi không phải thứ gì bạn cũng có thể tìm lại được"