Sunday, December 21, 2008

Hạnh Phúc Có Thể....Lây Nhiễm

TTCT - Một nghiên cứu mới đây cho hay hạnh phúc không chỉ là chuyện riêng của mỗi cá nhân, mà chúng ta có thể “bắt được” hạnh phúc từ bạn bè và các thành viên trong gia đình như một loại virus tình cảm vậy.

Chỉ cần một người trong nhóm cảm thấy vui sướng, các nhà nghiên cứu có thể đo được một sức lan tỏa lũy thừa ba từ niềm vui của người ấy. Nói cách khác, tâm trạng của chúng ta có thể sáng sủa hơn nhờ vào ai đó chúng ta thậm chí chưa từng gặp.

Nhà khoa học về chính trị James Fowler thuộc Trường đại học California, San Diego và là đồng tác giả nghiên cứu với nhà xã hội học Nicholas Christakis đến từ Đại học Harvard nhận xét: “Những gì chúng ta làm và những gì chúng ta cảm thấy sẽ có tác động lan tỏa khắp mạng lưới những mối quan hệ trong xã hội”.

Tính trung bình cứ mỗi cá nhân hạnh phúc trong mạng xã hội của bạn sẽ làm tăng khả năng vui vẻ của bạn lên 9%, và những ảnh hưởng từ việc “bắt được” hạnh phúc của người khác có thể kéo dài đến một năm. Nghiên cứu này đã khảo sát gần 5.000 người trong hơn 20 năm, và vừa được đăng trên trang mạng của Tập san Y Khoa Anh Quốc (British Medical Journal) ngày 4-12-2008.

Những người tham gia nghiên cứu đã liệt kê một danh sách thông tin những bạn bè thân thiết nhất của họ, các thành viên trong gia đình và láng giềng mà tất cả tạo nên mạng lưới 50.000 mối quan hệ xã hội. Fowler và Christakis đã dùng chỉ số phiền muộn của Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ (Center for Epidemiological Studies Depression Index) - một bộ các câu hỏi chuẩn mà những nhà tâm lý học vẫn thường dùng đo lường mức độ hạnh phúc - để phân tích niềm vui của những người tham gia nghiên cứu.

Họ nhận thấy khi một ai đó cảm thấy hạnh phúc, người bạn của cá nhân ấy tăng 25% cơ hội cũng sẽ hạnh phúc. Người bạn của người bạn đó thì tăng gần 10% cơ hội và đến lượt một người bạn của người bạn nói trên tăng 5,6% cơ hội. Điều này có nghĩa một tâm trạng tốt của một người lạ có thể nâng đỡ tinh thần của bạn nhiều hơn một chi phiếu gây quỹ trị giá 5.000 USD, thường chỉ làm tăng niềm vui lên có 2% - Fowler và Christakis cho biết.

“Hạnh phúc là một cảm xúc mang tính xã hội mà chúng ta nhận được từ các sự kiện trong xã hội. Có một điều rất đặc trưng là nó trở thành chất kết dính quan trọng cho các mối liên kết xã hội chúng ta có với những người khác - Jack Dovidio, nhà tâm lý học xã hội đến từ Đại học Yale, nói - Hạnh phúc không phải là thuộc sở hữu của mỗi mình bạn”.

Còn gì nữa, tất cả những người hạnh phúc đều có thể giúp những người khác sống khỏe mạnh. Rất nhiều nghiên cứu y gần đây đã gắn hạnh phúc với sức khỏe, kể cả một báo cáo nghiên cứu năm 2006 của Đại học Carnegie Mellon đã cho biết những mẫu người sôi nổi, vui vẻ sẽ ít bị cảm cúm hơn những ai u buồn. Trước đó một nghiên cứu năm 2001 của Đại học Kentucky ở Lexington đã dùng bản viết tay của 180 nữ tu sĩ Công giáo để tìm hiểu tác động của niềm hạnh phúc lên tuổi thọ và có được kết quả: những nữ tu nào dùng nhiều từ mang tính tích cực để mô tả về cuộc sống của họ thì sống lâu hơn khoảng 10 năm so với những người dùng nhiều từ kém vui.

Song dường như bạn không thể “bắt được” hạnh phúc qua điện thoại. Fowler và Christakis nhận thấy hạnh phúc chỉ tác động lên những bạn bè sống cùng trong khoảng 1 dặm. “Với những cảm xúc tình cảm, có vẻ như khoảng cách có vai trò thật sự quan yếu - Fowler nói - Những người bạn ở gần có được, trong khi những người ở xa thì không. Bạn càng ít quan hệ với một ai đó thì càng ít khả năng bắt được niềm hạnh phúc của họ”.

Khám phá về giới hạn địa lý ấy nghe có vẻ khác lạ giữa những người bạn thân nhưng sống xa nhau. Nhưng Fowler cho biết chìa khóa dường như nằm ở chỗ tần suất gặp gỡ, khi những người ở gần với nhau gặp nhau thường xuyên hơn.

Một điều đáng nói hơn nữa là ở khía cạnh ngược lại nếu bạn buồn phiền, chỉ mình bạn gặm nhấm mà thôi. Nỗi buồn không lây lan rõ rệt và đáng tin cậy như hạnh phúc, các nhà nghiên cứu để ý thấy. Nếu trong một nhóm bạn, nỗi buồn có một tác động đáng kể lên các thành viên của nhóm, nhưng với những người khác thì tác động ấy là rất nhỏ.

“Khi buồn chán, bạn thường có khuynh hướng đẩy mọi người ra xa dù biết rằng sự hỗ trợ của cộng đồng là rất tốt” - nhà tâm lý học của Đại học Emory Nadine Kaslow nói. Và chính điều đó ngăn cản sự lan truyền. Tuy vậy, Dovidio cho rằng sự tức giận lại có thể mang tính lây lan trong một nhóm như những gì hạnh phúc làm được.

“Khi chúng ta gần gũi với một ai đó, trên thực tế chúng ta sẽ có khuynh hướng hòa hình ảnh của chúng ta vào cùng” - Dovidio nói. Và sức lan tỏa của niềm vui sẽ giúp gắn kết các mối quan hệ trong một nhóm bạn, ông nói thêm, vì nó tái khẳng định mức độ thân thiết của quan hệ ấy đang nằm ở đâu.

Tóm lại, như Fowler kết luận: “Những niềm vui nho nhỏ mà bạn nghĩ rằng làm cho chính mình hóa ra là cho hàng trăm người khác”.

HOÀI CHI (Theo MSNBC)

0 comments:

Post a Comment