Tuesday, September 29, 2009

Đập vỡ con heo !

Bố sẽ không mua cho tôi con búp-bê Bart Simpson. Mẹ thực sự muốn mua, nhưng Bố không muốn, Bố nói tôi được chiều chuộng quá trớn.
“Tại sao mình phải làm thế?” Bố nói với Mẹ. “Tại sao mình phải mua con búp-bê cho nó? Nó chỉ búng ngón tay một cái là bà vội vàng chú ý tới nó liền.” Bố nói tôi không biết trọng tiền bạc, và nếu tôi không học điều đó khi còn bé thì đến khi nào tôi mới học? Những đứa trẻ chỉ khua tay một cái là đã có ngay những con búp-bê Bart Simpson thì lớn lên sẽ thành những thằng du côn chuyên ăn cắp đồ trong những cửa hàng bách hoá, bởi vì chúng cứ tưởng chúng có thể có bất kỳ thứ gì chúng muốn, vậy đó. Cho nên, thay vì mua một con búp-bê Bart, Bố mua cho tôi một con heo xấu xí bằng sành có một cái khe ở trên lưng, và nhờ đó tôi sẽ lớn lên thành người đàng hoàng, chứ không biến thành một thằng du côn.

Bây giờ, mỗi buổi sáng, tôi phải uống hết một cốc cocoa, dù tôi ghét uống thứ đó. Uống với kem thì được một đồng shekel, không kem thì được nửa đồng shekel, và nếu tôi ói ra ngay sau khi uống, thì tôi không được một xu nào cả. Tôi thả cho những đồng xu rơi vào cái khe trên lưng con heo, và khi bạn lắc nó bạn sẽ nghe những đồng xu kêu leng keng. Chừng nào con heo quá đầy những đồng xu đến độ không còn kêu leng keng khi bị lắc, thì tôi sẽ được con búp-bê Bart-Simpson-trượt-patin. Đó là điều Bố nói: như thế mới có tính giáo dục.

Thật ra con heo cũng dễ thương, khi bạn sờ vào cái mũi của nó thì thấy mát lạnh, và nó mỉm cười khi bạn thả một đồng shekel vào trong lưng nó, ngay cả nửa đồng shekel nó cũng mỉm cười. Nhưng dễ thương nhất là cái cách nó mỉm cười ngay cả khi bạn chẳng có một đồng xu nào cả. Tôi bịa ra một cái tên cho nó. Tôi gọi nó là Margolis, trùng tên với gã đàn ông trước kia chui vào sống trong hộp thư của chúng tôi và Bố tôi không thể nào hiểu nổi tại sao.[*] Con heo sành Margolis không giống với những đồ chơi khác của tôi. Nó dễ tính hơn nhiều, không cần bóng đèn hay lò xo hay những cục pin rỉ acid bên trong. Bạn chỉ cần giữ cho nó không rơi ra khỏi mặt bàn.

“Margolis, cẩn thận nhé! Mày được làm bằng sành đấy cưng ạ,” tôi nhắc nhở nó khi tôi phát hiện nó đang nghiêng mình một chút để nhìn xuống sàn nhà, và nó mỉm cười với tôi, và nó kiên nhẫn đợi tôi bưng nó xuống. Tôi thật sự thương yêu nó mỗi khi nó mỉm cười, và tôi uống cocoa nóng với kem mỗi buổi sáng chỉ vì nó, để tôi có thể thả đồng shekel vào trong lưng nó và ngắm nụ cười bất biến của nó.

“Tao thương mày, Margolis,” lúc ấy tôi nói với nó. “Thật tình, tao thương mày hơn cả Mẹ và Bố. Và tao sẽ luôn luôn thương mày, bất kể chuyện gì xảy ra, ngay cả nếu mày biến thành một thằng du côn. Nhưng đố mày dám nhảy ra khỏi mặt bàn!”

Hôm qua, Bố vào phòng, bưng Margolis lên khỏi mặt bàn và bắt đầu lật ngửa nó, lắc thật mạnh.

“Cẩn thận, Bố,” tôi nói. “Bố làm Margolis đau bụng đấy.” Nhưng Bố không dừng lại.

“Nó không kêu một tiếng nào nữa. Con biết điều đó có nghĩa là gì chứ, phải không con, Davie? Nghĩa là ngày mai con sẽ có thằng Bart-Simpson-trượt-patin.”

“Tuyệt vời, Bố,” tôi nói. “Một con búp-bê Bart-Simpson-trượt-patin, thật là tuyệt. Nhưng Bố làm ơn đừng lắc Margolis nữa, nó sắp bệnh rồi đấy.” Bố đặt Margolis xuống và đi gọi Mẹ. Một phút sau, Bố trở lại, một tay kéo Mẹ theo đàng sau, và một tay cầm cái búa.

“Bà thấy đấy, tôi nói có sai đâu,” Bố nói với Mẹ. “Cách này làm cho nó biết tôn trọng các thứ, phải thế không, Davie?”

“Chắc chắn là thế,” tôi nói. “Chắc chắn là thế, nhưng cái búa để làm gì vậy?”

“Để cho con đấy,” Bố nói và đặt cái búa vào tay tôi. “Nhắm cho cẩn thận.”

“Chắc chắn rồi, con sẽ nhắm cẩn thận,” tôi nói, và tôi nhắm thật cẩn thận. Nhưng vài phút sau, Bố mất kiên nhẫn và nói, “Ra tay đi nào. Đập vỡ con heo đi chứ!”

“Cái gì?” tôi hỏi. “Đập vỡ Margolis?”

“Ừ, ừ. Margolis,” Bố nói. “Ra tay đi, đập vỡ nó ra. Con đã được Bart Simpson rồi đấy, con đã khổ công vì nó.”

Margolis ban cho tôi nụ cười buồn của một con heo bằng sành biết giây phút cuối cùng của mình đã gần kề. Mặc kệ Bart Simpson. Tôi — tôi mà lại đập cái búa này vào đầu một người bạn hay sao?

“Con không cần Bart Simpson,” tôi nói và trả cái búa lại cho Bố. “Margolis cũng đủ làm cho con vui rồi.”

“Con không hiểu gì cả,” Bố nói. “Làm điều này là rất đúng, điều này mang tính giáo dục. Thôi thì hãy để bố đập nó giùm cho con nhé.” Bố giơ cái búa lên và tôi bắt gặp cái nhìn mệt mỏi trong mắt Mẹ và nụ cười méo mó trên mặt Margolis, và tôi biết chỉ có tôi mới quyết định được giây phút này. Nếu tôi không làm gì cả, thì nó sẽ chết.

“Bố,” tôi nói, níu lấy chân Bố.

“Cái gì vậy, Davie?” Bố nói, vẫn còn giơ cái búa lên cao.

“Bố cho con xin thêm một đồng shekel nữa được không Bố?” tôi năn nỉ. “Bố cho con xin thêm một đồng shekel nữa để con nhét vào Margolis, sáng mai, sau khi con uống cocoa. Rồi con sẽ đập vỡ nó, sáng mai, con xin hứa.”

“Một đồng shekel nữa?” Bố mỉm cười và đặt cái búa xuống mặt bàn. “Bà thấy chưa? Thằng nhỏ đã phát triển ý thức.”

“Vâng, ý thức,” tôi nói. “Sáng mai.” Có những giọt nước mắt trong cổ họng tôi.

Ngay sau khi Bố và Mẹ rời khỏi phòng, tôi ôm Margolis thật chặt và để mặc cho nước mắt mình tuôn trào. Margolis không nói một lời, nó chỉ run khẽ trong tay tôi. “Đừng lo sợ,” tôi nói thầm thì vào tai nó. “Tao sẽ cứu mày.”

Đêm đó tôi đợi cho Bố xem tivi xong trong phòng khách và đi ngủ. Rồi tôi đứng dậy rất khẽ và lẻn ra ngoài xuyên qua lối bao lơn, cùng với Margolis. Chúng tôi đi với nhau trong bóng đêm rất lâu cho tới khi chúng tôi đến một cánh đồng đầy những bụi gai.

“Heo yêu thích những cánh đồng,” tôi nói với Margolis trong lúc tôi đặt nó xuống mặt đất, “đặt biệt những cánh đồng đầy những bụi gai. Mày sẽ rất thích ở nơi này.” Tôi đợi Margolis đáp lại, nhưng nó không nói một lời, và khi tôi sờ vào mũi nó để giã từ, nó chỉ nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Nó biết nó sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa.


ETGAR KERET (Nhà văn Do thái )

(1967~)

Dịch:Hoàng Ngọc Tuấn
_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Có lẽ tác giả ám chỉ những bài viết của Jonathan Margolis có một thời xuất hiện liên tục trên nhiều tờ báo: hễ mở hộp thư ra lấy một tờ báo là thấy ngay tên Margolis.

8 comments:

Bống nhỏ said...

Thật là cảm động. Cậu sưu tầm ở đâu ra vậy

giao gia said...

Tưởng bố đánh mắng KTD chứ, mừng quá vô coi ....

TRANG NGUYEN VAN said...

Tác giã viết bài này triễn khai quan điểm giáo dục của Jean-Jacques Rousseau.

Đen Thui . said...

Davie dắt heo đi giữ đêm khuya. Sao mà giống cảnh Công Chúa trốn nhà đi bụi wá dợ nè!

Ngọc Yến said...

Truyện hay thế này mà sao chị chưa đọc bao giờ nhỉ ? Cám ơn em nhé.

Hoang Le said...

Chẳng hiểu gì lắm về bài viết này tuy có chút tính cách giáo dục về sự cần kiệm nhưng khô khan, không biết thằng nhỏ đập con heo cho bể ra để lấy tiền để dành mua búp bê Bart Simpson hay vì thương cảm nó đem con heo ra cánh đồng và bỏ ở đó và nó chẳng còn ham muốn con búp bê nữa.

Huyen Tran . said...

Tìm triết lý cuộc đời trong văn chương vẫn thấy ... phê. Bữa nào chị viết thử một tản văn , nhờ Du dịch qua tiếng Anh rồi post lên trang nào hot dùm chị nhe kekeke

Thu Nhân. Võ said...

Dù không có búp bê như đã từng mong mỏi, thằng bé đã có cái mà bố nó muốn nó có. Thế là đủ. Không cần phải tìm hiểu thêm sự việc rồi sẽ ra sao. Con heo sẽ ở lại ngoài cánh đồng?
Có ai đó sẽ tìm thấy nó?
Nó sẽ như thế nào?
Cậu bé ra về và sẽ nghĩ gì tiếp nữa vào hôm sau, hôm sau, hôm sau nữa?
VV...
Và, KTD ơi, cho chị xin entry này về nhà chị nhé!

Post a Comment

Template by:
Free Blog Templates